Trong thời đại Covid ngày nay khiến chúng ta nhận ra nhiều điều. Có những thứ mà quá nhiều người nghĩ rằng không thể sử dụng phương pháp online, vậy mà nó đang được thực hiện bằng phương thức như thế. Giờ đây, mỗi gia đình thường phải quây quần với nhau ở nhà, con cái cũng không có nơi nào để chơi, để đi ngoại trừ những thú vui quanh chiếc tivi, điện thoại thông minh hay máy tính bảng,… Các ông bố, bà mẹ than phiền và tìm cách cấm con mình sử dụng các thiết bị thông minh vì sợ chúng bị nghiện điện thoại, hỏng mắt, đầu óc mụ mẫm, lờ đờ như xác sống, ngày đêm chỉ cắm mặt vào những thiết bị di động ấy. Thoạt nhìn thì thấy hiện tượng này thật là phổ biến, nhưng dường như lỗi không phải do những thiết bị này hay do lũ trẻ ham mê những thiết bị đó từ khi mới lọt lòng. Vậy lỗi thực sự tới từ đâu?
Chúng ta cùng nhìn lại những năm đầu thế kỷ 19, nhân loại cũng có cả một làn sóng phản đối đài radio bởi chứng nghiện nghe radio, rồi từ giữa tới cuối thế kỉ 20, chúng ta cũng phản đối chiếc tivi vì chứng nghiện xem truyền hình. Xét xa hơn nữa, khoảng 2,500 năm trước có ghi lại lời phàn nàn kêu ca của nhà triết học Hy Lạp cổ đại Plato, ông phàn nàn rằng bọn thanh thiếu niên hư hỏng chỉ thích đọc sách và vì sách (loại hình giải trí mới mẻ khi đó) đã khiến cho chúng không còn hứng thú với việc học hành và nghe giảng như trước. Bọn trẻ hư hỏng đó thay vì tìm tới học với các triết gia thì lại dành nhiều thời gian “vô bổ” để đọc sách.
Vậy lỗi không phải tại Thiết bị thông minh, lỗi không phải bởi Truyền hình, lỗi không phải bởi radio hay những cuốn sách. Lỗi không phải bởi bất cứ gì bên ngoài mà ở chính bên trong mỗi người chúng ta. Lỗi là ở sự nhàm chán trong cuộc sống đang được tạo ra khi chúng ta không nhận diện được những niềm vui trong cuộc sống, và vì thế mới phải đi tìm niềm vui … ở trong các phương tiện mới kia. Có lẽ lỗi cũng là ở cả một xã hội không mấy người biết Vui Sống. Lỗi là ở phía cha mẹ, thầy cô, đến bản thân những người đó còn chẳng biết cách Vui Sống,thì làm sao có thể dạy và làm gương cho lũ trẻ biết Vui Sống được? Bản thân mỗi chúng ta còn chạy trốn nỗi đau, sự chán chường ở cuộc sống để đi tìm niềm vui trong các phương tiện công nghệ đó thì hỏi làm sao lũ trẻ không bắt chước theo?
Khi áp lực công việc hay gia đình quá lớn khiến người lớn chúng ta căng thẳng, trầm cảm và đó cũng chính là lý do để chúng ta phải lướt web, chơi facebook, tiktok,… hàng ngày để tìm kiếm lại sự cân bằng. Khi chúng ta như vậy thì bọn trẻ sẽ học theo bố mẹ của chúng. Đôi khi để tìm sự bình yên cho bản thân thì chính chúng ta dẫn bọn trẻ vào con đường nghiện ngập những thiết bị công nghệ. Nhiều ông bố bà mẹ nói với con mình là “Bố mẹ thương con, chiều con nên cho con chơi điện thoại 30 phút nhé”, nhưng thực tế bố mẹ đó đang muốn mình không phải nghe tiếng mè nheo của những đứa trẻ và để mình làm việc hay xem cái gì đó, nhắn tin cho ai đó. Nhìn sâu hơn thì môi trường sống xung quanh chúng ta luôn luôn thay đổi, các thiết bị mới sẽ liên tục được cập nhật. Vấn đề là ở chúng ta cần nâng cấp bản thân kịp để có thể thoải mái sống trong môi trường ấy mà không bị ảnh hưởng. Đã tới lúc việc nâng cấp phiên bản của Thân và Tâm là đặc biệt cần thiết, là sống còn đối với thế hệ trẻ ngày nay.
Trong thời gian này, bản thân tôi vẫn làm việc online, lúc nào cũng bận cả, không nhàn hơn thời chưa covid, cũng vẫn phải kiếm tiền để lo cho đời sống gia đình, với những chi phí chẳng hề giảm đi. Ngoài những khoảng thời gian làm việc tôi không động tới chiếc điện thoại mà để dành thời gian cho những đứa con trong gia đình (đó cũng là lý do tại sao nhiều người bạn nhắn tin cho tôi ngoài giờ thì thường tôi không thể trả lời ngay được). Những đứa trẻ nhà chúng tôi cùng nhau nuôi chuột hamster, nuôi những con cá đủ màu, nuôi con poodle màu nâu đỏ hay đơn giản là cùng nhau làm một chiếc bánh, những bữa ăn trong ngày hay tưới những chậu cây đang trổ mầm xanh biếc… Thi thoảng thì có chơi bài hay cũng có xem một vài bộ phim để tìm niềm Vui Sống cùng với nhau. Dẫu biết rằng mỗi người có một cách vui sống khác nhau, nhưng dù có khác nhau tới mấy thì mọi thứ cũng cần đến từ Cội rễ như chiếc cây để ra những quả chín mọng, ngọt lành thì gốc của chúng cần phải được chăm bón hàng ngày với đầy đủ dưỡng chất.
Tôi đã may mắn biết nhiều người, xung quanh họ được trang bị đủ máy tính, điện thoại thông minh, truyền hình và biết tất cả các phương tiện hiện đại nhưng hoàn toàn không hề dính mắc vào những phương tiện ấy khi chỉ dành cho nó một khoảng thời gian vừa đủ cho công việc và giải trí. Thời gian còn lại họ vui sướng trong mọi hoạt động sống dù đó là dọn nhà, hay đi bộ, lái xe, chơi với lũ trẻ ván cờ hay bày ra đủ thứ khác để trải nghiệm khoảnh khắc được sống. Họ chẳng còn phụ thuộc, họ chẳng còn tìm kiếm, họ chỉ luôn Vui Sống với những điều bình dị và ý nghĩa của cuộc sống.
Hôm nay, cách đây tròn 38 năm là ngày tôi hiện diện ở mảnh đất hình chữ S này. Suốt 38 năm tròn trịa đã đi gần hết các tỉnh thành, sống ở cả 3 thành phố trung ương đầu tiên của Việt Nam là Hải Phòng, TPHCM và thủ đô Hà Nội, cũng đã đặt chân tới gần 20 quốc gia trên quả địa cầu này. Suốt 38 năm biết bao lần khởi nghiệp, biết bao sự hợp tác đến rồi đi cả trong sự thành công và có những giọt nước mắt. Suốt 38 năm để hiểu được những nguyên lý đơn giản nhưng thực sự thấm thía khi chứng kiến những đứa con lần lượt chào đời. Khi dang tay đón đứa con đầu tiên là tôi hiểu cuộc đời mình đã rẽ sang một hướng khác. Một tôi khác cần bao dung và bớt ích kỷ hơn. Và những việc tôi đang làm hiện nay có thể không còn trong ký ức con mình, chúng sẽ quên đi khi trưởng thành nhưng tôi thì chẳng thể quên, như chính việc tôi không thể dẫn con đi suốt chặng đường của cuộc đời được, nhưng sẽ giúp chúng có một tuổi thơ hạnh phúc và một nền tảng văn hoá, giáo dục trong một môi trường tốt. Tương lai, chúng sẽ đi bất cứ đâu chúng muốn trên trái đất này và tôi thì chẳng mong một sự báo đáp nào. Chúng tôi hạnh phúc cho đi và thấy nụ cười của chúng là sự trả lại cho bố mẹ chúng ngay lúc này rồi.
Thời khắc này, xin chúc một thế giới bình an trong tuổi mới, chúc những niềm Vui Sống trong mỗi gia đình trong tình trạng cách ly của thời hiện tại.
CEO Nguyễn Trung Kiên