Chắc nhiều người đã từng nghe thấy những ca từ đó trong bài hát “Bước chân trên dãy Trường Sơn” của nhạc sỹ Vũ Trọng Hối. Lửa này là lửa lý tưởng, soi sáng, sưởi ấm, đam mê và đem lại năng lượng vượt khó tới lạ kỳ.
Thế mà hàng ngày chúng ta lại thoải mái tự nhiên dội nhiều xô nước vào những ngọn lửa nhỏ bé còn le lói trong lòng con trẻ. Thái độ của chúng ta khi nhìn học bạ, điểm số bài kiểm tra, rồi buột mồm nói những câu nói so sánh, miệt thị con cái mình, đôi khi chính xác như khi chúng ta còn nhỏ, chúng ta cũng bị bố mẹ ông bà của chúng ta đối xử như thế. Cái tập tính luẩn quẩn này nó đè nặng lên và luân hồi mãi thế hệ này qua thế hệ khác trong đất nước chúng ta.
Khoa học chứng minh là đứa trẻ nào cũng có những điểm độc đáo và thiên tài riêng, bẩm sinh như thể trong lòng chúng vốn có hạt giống quý. Thế nhưng các ông bố bà mẹ thì lại muốn cái cây khác theo ý muốn của bố mẹ. Mảnh đất có hạt giống nghệ thuật thì lại bị gò phải mọc ra cây Ngân hàng, Ngoại thương… Mảnh đất có hạt giống tình thương và chữa lành lại bị gò phải mọc lên cây Kỹ sư, Tiến sĩ… Mảnh đất có hạt giống nghiên cứu kỹ thuật thì bị gồng gánh kế nghiệp bố mẹ phải làm giám đốc hay CEO… Những cái cây mọc lên từ sự gò ép, đến từ những cái hạt mong muốn của bố mẹ chứ không phải của các con, từ đó trở thành những cái cây bất hạnh.
Câu chuyện cậu bé 16 tuổi tự vẫn ở Hà Đông, Hà nội gần đây khiến cả nước rúng động khiến tôi một lần nữa đau xót. Sự việc này khiến các bậc cha mẹ một lần nữa giật mình nhưng tôi biết điều này chỉ đủ thức tỉnh rất ít người, và rồi sự việc sẽ lại qua mau như nhiều vụ quyên sinh khác trong những tháng, năm trước. Bài học này dường như ai cũng biết nhưng không phải ai cũng hiểu để vận dụng trong chính gia đình mình một cách hiệu quả.
Không chỉ con trẻ, mà chính những người lớn chúng ta sinh ra trên đời này, không ai thực sự muốn chết cả, cái mà họ muốn chỉ là được giải thoát khỏi những nỗi đau đớn giày vò thôi. Vì họ không nhìn thấy, không tìm được phương cách nào khác để cảm thấy có hy vọng sẽ thoát khỏi tìnhcảnh đó, nên họ mới chọn tới lối thoát cuối cùng. Và trước khi kết thúc, thông thường họ đã cố phát ra rất nhiều thông điệp cầu cứu, họ đã gửi nhiều tín hiệu đến những nơi họ nghĩ là có thể giúp họ, có thể cản họ lại. Chỉ là cuộc đời này quá vội vã, nên những người họ gửi gắm mong chờ đã không nhận ra dấu hiệu kịp lúc thôi. Hầu hết mọi câu chuyện đều có thể đã thay đổi, nếu ai đó có thể chỉ họ thấy rằng rồi mọi thứ đều sẽ có thể đổi khác, không có cơn đau nào sẽ kéo dài mãi mãi. Trời dù giông bão tới mấy cũng sẽ tới lúc phải hửng nắng. Vì tư duy lúc đó bị đè nén chưa kịp trỗi dậy, họ thiếu sót trong nhận thức, nên chỉ cần sự động viên vậy thôi. Họ chỉ bỏ cuộc vì nghĩ rằng những điều tồi tệ này sẽ không bao giờ ngừng, họ nghĩ rằng địa ngục này rồi sẽ tiếp diễn trong vô tận. Và sẽ không có ai nghe được tiếng kêu cứu của họ cả.
Để tâm hồn của một con người chìm sâu hoàn toàn vào bóng đêm vô tận đó, đã là cả một quá trình với hàng ngàn bàn tay vô tình nhấn sâu họ vào trong vực thẳm. Nhưng chỉ cần một bàn tay giữ lấy và kéo ra thôi, kết thúc có thể đã khác. Chỉ là trong cuộc đời này, những bàn tay nhấn xuống đông hơn hàng vạn lần những bàn tay kéo lên. Vì loài người mà, loài sinh vật nhận lấy đau thương từ một nơi thì lại đem trút đi ở một nơi khác. Và luôn có số ít những người, không muốn trút rác đi hoặc không tìm được đường để trút, vậy nên họ cứ hứng tới khi tràn.
Thế nên, trong mọi gia đình, việc của những ông bố bà mẹ lẽ ra chỉ là ngắm nhìn, hỗ trợ, đi theo, động viên và hưởng thụ chúng. Thấy chúng gom gom đống lá đống củi, ta chỉ nhẹ nhàng đánh xòe cái diêm lên giúp chúng châm ngọn lửa ấy, nuôi dưỡng ngọn lửa ấy và chúng sẽ tự soi sáng, tự tìm ra lối đi tự nhiên, đam mê và lâu bền. Và như thế, chúng sẽ mạnh mẽ và hạnh phúc trong mãi cuộc đời mình.
Đừng cố gắng sửa cái sai lầm của mình trước kia bằng việc cố gắng luân hồi nhanh vào thể xác của con cái mình ngay trong kiếp này, đừng mong làm lại cuộc đời làm gì. Vô ích. Hãy chỉ làm bao diêm, đi bên cạnh đời con và sẵn sàng châm lửa bất cứ lúc nào. Hãy cứ như vậy thôi nhé các ông bố bà mẹ.
CEO Nguyễn Trung Kiên